Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Cây cúc mốc

Cây cúc mốc hay còn được gọi là nguyệt bạch, Thạch cúc, cúc bạch, Bạch phù dung… Cây có tên khoa học là Crossostephium chinense hoặc Graphalium spp. Cây cúc mốc có nguồn gốc từ Đài Loan.

Cây Cúc mốc là cây thân gỗ nhỏ, chỉ cao khoảng 20-80cm. Cúc mốc có hình dáng cây rất độc đáo, phù hợp với loại hình làm bonsai nghệ thuật. Thân cây cứng, thô, nhỏ, màu nâu, phân nhiều cành nhánh, dáng cây gồ ghề, phong trần dễ tạo thành dáng bonsai.

Lá cây cúc mốc có màu bạc và hoa mầu vàng nhỏ li ti. Trên bề mặt lá có phủ lông tơ mịn màu trắng trông xa như những vết mốc. Lá mọc thành vòng ở đỉnh, trông xa lá cây như phủ một lớp tuyết mỏng rất bắt mắt. 



Lá cúc mốc thường mọc so le. Ở gần gốc lá chia thành 3 thùy nhỏ, các lá phía trên hình trứng thuôn dài, to dần về ngọn, đầu tù. Cây được mệnh danh là diệp bất ly thân, hoa vô lạc địa bởi khi lá già úa, chết đi vẫn kiên cường bám chặt vào thân.

Hoa cúc mốc mọc ở kẽ lá kết thành chùm màu vàng xanh nhưng nhỏ bé và không nổi bật, mùi hắc đặc trưng của họ cúc. Hoa thường nở từ tháng 1-3 hàng năm. Cây cũng có quả dạng vành, các hạt khi rơi xuống cũng dễ dàng mọc thành cây con.


Cách trồng và chăm sóc cây cúc mốc

Cúc mốc là loài cây có sức sống khỏe và không kén đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên cây phát triển tốt trên đất thoáng xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng lấy lá thì tăng cường chăm sóc, tưới bón để bộ lá xum xuê.

Về chế độ tưới: Cây có nhu cầu nước rất ít vì thân gỗ, lá nhỏ. Cây chịu úng kém nên khi tưới nhiều quá làm cây bị úng, thối rễ, dẫn đến chết cây. Cây chịu hạn tốt nên chỉ cần tưới khi thấy đất trên mặt chậu hơi trắng.

Ánh sáng: Cây hoa cúc mốc ưa sáng hoàn toàn hoặc 1 phần bóng râm. Nắng nhiều thì lá cây càng đẹp. Để trong râm cây sẽ yếu và phát triển kém.

Cúc mốc làm thuốc trong đông y

Trong đông y, cúc mốc có tính mát, vị cay, không độc, thơm có rất nhiều công dụng: làm sáng mắt, chữa chảy máu cam, chữa sởi, trị ho, ù tai, điều hòa kinh nguyệt, làm tan mằng nhầy, chữa thổ huyết, cảm mạo….

Lá cúc mốc được dân gian dùng để chữa ăn không tiêu, nhức đầu, cảm mạo, đau bụng.

Để chữa ho rất hiệu quả, các mẹ thường lấy lá cúc mốc hấp với mật ong cho bé ăn vài lần là khỏi.

Tại Phillipin hoa và lá cúc mốc còn được dùng để uống như trà để giúp thông hơi.

Cây mai tứ quý

 Cây Mai tứ quý là một trong 4 loài tứ quý Tùng-cúc-trúc-mai. Cây mai tứ quý có sức sống mãnh liệt, cây chịu được mùa đông giá rét, chịu được điều kiện thiếu nắng hoặc nắng nóng. Cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ và cho ra những bông hoa đẹp vào đúng dịp đầu xuân. Ngoài ra trong năm cây cũng có ra hoa lác đác.

Mai tứ quý thuộc cây thân gỗ chiều cao từ 2-3m, có một số cây ở khu vực nóng ẩm quanh năm có thể cao tới 8m. Cây phân cành nhánh nhiều, tán rộng, vỏ cây có màu nâu, sần sùi. Lá cây mai tứ quý nhỏ có màu xanh đậm, hơi cứng. Phiến lá nhẵn, mép có răng cưa thưa. Gân lá nổi lên ở mặt dưới của lá. Cành mai tứ quý giòn dễ gãy.


Hoa mai tứ quý có đặc điểm đặc biệt là cây có 2 tầng cánh hoa (thực ra có 1 lớp cánh và 1 lớp đài hoa). Vì thế nên người ta mới gọi Hoa Mai Tứ Quý là loài hoa nở đến 2 lần, lần đầu có 5 cánh màu vàng rực rỡ, sau khi tàn những cánh hoa bắt đầu rụng xuống thì đài hoa từ màu xanh chuyển đổi thành màu đỏ, ôm lấy phần nhụy trông giống như những nụ hoa vừa mới nhú ra. Phần nhụy hoa bên trong kết hạt rồi hạt dần dần to ra đẩy 5 đài hoa bung trông như những bông hoa mai màu đỏ đua nở.

Cánh hoa vàng rụng xuống, lớp đài hoa chuyển dần sang màu đỏ như một lớp cánh hoa mới

Cây ra hoa từ tháng 2 đến tháng 5 và ra quả từ tháng 4 đế tháng 6. Hạt cây mai tứ quý lúc đầu có màu xanh lúc non và chuyển đen khi về già. Hạt to chừng 3-7mm giữa các cánh hoa. Hạt dễ nẩy mầm và dễ nhân giống bằng hạt. 

 

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Cây đa búp đỏ

Cây đa búp đỏ hay còn gọi là đa cao su, đa dai. Cây có danh pháp là Ficus elastica), thuộc chi Đa đề (Ficus), họ dâu tằm. Đa búp đỏ có nguồn gốc ở vùng đông bắc Ấn Độ (Assam), kéo dài về phía nam tới Indonesia. Lá non của cây có thể dài đến 45 cm nhưng lá già thì sẽ co bớt lại Các lá phát triển ở bên trong một vỏ bọc tại mô phân sinh ở ngọn, gọi là Búp Đa, búp này sẽ có màu đỏ. Chính vì vậy ở Việt Nam người ta thường gọi nó là Cây Đa Búp Đỏ.

Đa búp đỏ ưa thích khu vực nhiều nắng nhưng không có nhiệt độ quá cao. Nó có thể chịu được khô hạn, nhưng ưa ẩm và phát triển tốt trong các điều kiện nhiệt đới mưa nhiều. Khi trồng làm cây cảnh thì giống lai có tên gọi Robusta với các lá cứng hơn, rộng bản hơn và đứng thẳng hơn nói chung hay được sử dụng thay cho dạng hoang dại.  

Phần lớn cây trồng được tạo ra nhờ nhân giống vô tính. Điều này có thể thực hiện bằng cách trồng các cành giâm hay cành chiết.


Cây đa búp đỏ được cho là có khả năng hút được khói thuốc lá, các khí độc khác như: formaldehyde, carbon monoxide, hydrogen fluoride và một số chất gây ung thư ở thể hơi. Cây có thích nghi nhanh với điều kiện môi trường vì thế cây có thể trồng được cả trong nhà lẫn ngoài trời, hoặc môi trường bán râm là lúc nắng, lúc mát như ở hiên nhà và cửa sổ. 

Ánh sáng đối với Đa Búp Đỏ không quá quan trọng nhưng nó sẽ góp một phần không nhỏ cho sự phát triển và đẹp của cây, nếu ánh sáng đều cây sẽ mọc thẳng, tán tròn lá nhiều và dày ngược lại nếu cây mọc lệch về phía nào tức là nó đang hướng nắng, ở đó có ánh nắng, nếu bạn để nơi ánh sáng mặt trời hoặc điện không đều, ánh sáng không được chiếu thẳng từ trên xuống, thì thi thoảng ta nên xoay cây để cây mọc lại đúng hướng.

Cây hoa thược dược

 Hoa thược dược có tên tiếng anh là Dahlia Variablis Desh, cây có nguồn gốc từ Mêxico. Trước đây hoa thược dược được trồng và cắt cành bán tết rất nhiều. Nhưng hiện nay do sự du nhập của các loại hoa mới từ nước ngoài như hoa lan hồ điệp, địa lan, hoa lily, hoa tulip... mà thú chơi thược dược cắt cành ngày Tết ít đi rất nhiều.

Ở ngoài bắc, thược dược được trồng vào vụ thu đông, đông xuân (từ tháng 9 - tháng 2 năm sau). Còn những vùng có khí hậu mát mẻ như Mộc Châu, Sa Pa, Đà lạt...thì có thể trồng quanh năm.  Cây thược dược có thể trồng từ cây gieo hạt, cây nuôi cấy mô hoặc cây giâm cành.


Trong quá trình chăm sóc hoa thược dược chú ý là để cây ở nơi có nhiều ánh sáng tưới nước cho cây khi thấy đất bị se khô. Tuy nhiên lưu ý thược dược ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng vì vậy cần có công tác thoát nước hiệu quả. 

Giá thể trồng hoa thược dược trong chậu cần đảm bảo độ tơi xốp, thoát nước tốt. Thông thường, thành phần giá thể gồm: đất, xỉ than (mùn cưa, xơ dừa), phân chuồng hoai mục được phối trộn theo tỷ lệ: ½ đất phù sa + ¼ xỉ than + ¼ phân chuồng hoai mục. Sau khi trộn cần khử trùng nấm bệnh trong giá thể bằng cách pha dung dịch khử trùng.

Tiến hành cắt tỉa chỉ giữa lại 2 đến 3 nhánh để giúp chồi nách phát triển và thêm khả năng ra hoa cho cây. Trong thời gian hoa nở nên bón phân mỗi tháng 1 lần để cung cấp chất dinh dưỡng cho hoa đẹp và tươi lâu. Khi cây sắp ra hoa nên che bớt ánh sáng và để nhiệt độ hơi lạnh giúp cho việc phân hóa chồi hoa.



Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Cây hoa đồng tiền

Hoa đồng tiền hay còn được gọi là cúc đồng tiền, cây có tên khoa học là Gerbera, thuộc họ cúc. Hoa có nhiều mầu sắc như vàng, da cam, hồng, đỏ, trắng. Một bông hoa đồng tiền thực chất là được tập hợp từ hàng trăm bông hoa nhỏ riêng biệt. Cây cho hoa  nở quanh năm nhưng rộ nhất vào thời điểm cuối thu và đầu hè. 

Cây hoa đồng tiền có nguồn gốc từ Châu Á, Nam Phi và Tasmania. Nó đặc biệt ưa chuộng khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới.. Chiều cao trung bình mỗi cây 30-40 cm. Mỗi cây mọc nhiều lá với dạng tròn ngắn hình thìa. Phần cuống lá mọc từ gốc dài thẳng vươn ra ngoài. Mặt trước lá có màu xanh đậm còn mặt sau thì nhạt hơn. Mỗi chiếc lá được bao phủ lớp lông nhung màu trắng. Phiến lá có mép hơi lượn sóng, gân hình xương và nổi lên gân chính rất rõ.


Hoa đồng tiền có nhiều loại như: Hoa đồng tiền cánh đơn, hoa đồng tiền cánh kép, hoa đồng tiền lùn, hoa đồng tiền cao.

Cách trồng và chăm sóc hoa cúc đồng tiền

Đất trồng hoa đồng tiền phải tơi xốp, nhiều mùn và dễ thoát nước. Đất trồng có thể trộn đất cát +  xơ dừa, trấu mục, vỏ lạc hun.... Ngoài ra, bạn nhớ bổ sung thêm phân lân, phân hữu cơ vi sinh giúp đất giàu dinh dưỡng.

Chúng ta trồng cây con ngay giữa chậu sao cho cổ rễ cao bằng bề mặt đất. Nếu đặt cây quá sâu dễ khiến thân bị thối hoặc phát triển chậm. Tùy vào điều kiện thời tiết mà chúng ta tưới 2-3 ngày 1 lần. Không nên tưới nước lên lá và nụ hoa. Cây hoa đồng tiền không chịu được hạn hán kéo dài và độ ẩm tốt nhất của cây phải duy trì ở mức 60- 70% độ ẩm và độ ẩm không khí vào khoảng 55- 60 % là điều kiện thuật lợi nhất cho cây hoa phát triển.

Nhiệt độ thích hợp nhất của cây hoa đồng tiền là từ 15- đến 24 độ C. Nhiệt độ dưới khoảng 12 độ C và trên 35 độ C thì cây sẽ kém phát triển hơn và mầu sắc của hoa đều nhạt hơn và cây hoa thường kém đi.

Về ánh sáng: Đồng tiền không chịu được cường độ ánh sáng mạnh, mưa nhiều vì vậy nên đặt chậu hoa đồng tiển trong nhà thời gian đầu để giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ. Sau khi cây đã phát triển ổn định có thể mang ra ban công hoặc lan can, bậu cửa để trồng.

Sau 4 tuần trồng, bạn dùng loại phân bón Đầu trâu tỷ lệ 20-20-15+ Te để bón thúc. Chúng ta hòa trong nước theo tỉ lệ 1kg phân/ 250 lít nước rồi tưới. Sau 30 ngày, chúng ta phun phân Đầu trâu 902 theo đúng chỉ dẫn và phun định kỳ 10-15 ngày/lần.

Nhân giống hoa đồng tiền: Đồng tiền có thể trồng từ cây nuôi cấy mô và cây tách thân. Cây nuôi cấy mô có ưu điểm: cây khoẻ, sạch bệnh, lâu bị thoái hoá, hoa to đẹp nhưng giá thành cao. Cây tách thân có ưu điểm giá thành thấp nhưng nhanh thoái hoá, chất lượng hoa ngày càng kém.

Để hoa đồng tiền nở quanh năm và khỏe mạnh cần chú ý tới bệnh thối gốc do nấm lan truyền theo nguồn nước, bệnh lan nhanh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, chúng xâm nhập vào cây qua vết thương, sinh trưởng trong ống dẫn làm tắt ống dẫn. Do đó phải thường xuyên kiểm tra và ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh, khi phát hiện bệnh thì nhổ ngay cây bệnh đem tiêu hủy, vệ sinh thường xuyên cho cây. Dùng thêm thuốc sát trùng để phòng bệnh cho cây.


Tác dụng với chữa bệnh của hoa cúc đồng tiền

Theo nghiên cứu y học, hoa đồng tiền chứa các thành phần giúp thanh nhiệt, tiêu đờm và ngắt cơn ho nhanh. Bạn phơi cánh hoa trong mát cho khô rồi đun nước uống.

Những ai bị rắn cắn hoặc bị thương, sưng đau thì điều trị bằng cánh hoa đồng tiền. Đơn giản, bạn giã nhuyễn cánh hoa rồi cho vào nồi đun sôi cùng một ít nước. Phần nước để nguội dùng uống còn xác hoa thì đắp trực tiếp lên vết thương.

Theo tâm linh, cúc đồng tiền có ý nghĩa tiền tài và phát lộc nên nhiều gia đình lựa chọn trưng bày dịp tết. 
Trung tâm NASA nghiên cứu thấy khả năng lọc không khí tốt.



Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Cây bàng cảnh, cây bàng singgapo

Cây Bàng Singapore còn được nhiều người biết đến với tên gọi là cây bàng lá to. Cây có tên khoa học là Ficus Lyata, thuộc họ Moraceae. Bàng Singapore thuộc loại thân gỗ nhỏ, dáng cây thẳng.  Cây bàng singgapo có nguồn gốc Tây Phi nhưng được trồng và lai tạo nhiều ở Singgapore.

Cây phát triển đều quanh năm và luôn cho lá xanh, rất ít rụng lá dễ thích nghi với điều kiện thời tiết nên dễ trồng và dễ chăm sóc. Bàng Singapore có lá đơn, to bản, mọc cách nhau, hình bầu tròn. Lá non có màu xanh tươi, lá già xanh thẫm. Quả Bàng Singapore tròn xanh, có những nốt lõm nhỏ vào trong, chín màu nâu vàng. Muốn cây có quả phải trồng loại cây lớn, bón phân nhiều, chăm sóc trong thời gian dài.


Cây Bàng Singapore là loại cây kiểng khá độc đáo, lá to và chịu được bóng râm. Cây ưa sáng nhưng có thể sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, vì thế người chơi cây có thể trồng trang trí trong nhà hoặc cơ quan, văn phòng làm việc. Bạn có thể trồng loại mini để bàn hoặc kệ sách và trồng loại lớn để đặt góc phòng. Cây có khả năng thanh lọc không khí khá tốt, hút được nhiều khí độc và bụi bẩn.

Để Bàng Singapore sinh trưởng và phát triển tốt, cần trồng cây ở nơi có ánh sáng khuếch tán hoặc thi thoảng phải đem cây phơi nắng nhẹ khoảng 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3 tiếng. Cần tránh vội vã để cây dưới ánh nắng gay gắt, bởi cây có thể bị sốc làm lá cây phai màu hoặc héo vàng.

Cây Bàng Singapore không phải là cây ưa ẩm, cây không cần quá nhiều nước. Cây trồng chậu trong nhà nên tưới lượng nước vừa phải. Vào mùa mưa nên hạn chế tưới nước cho cây. Cây ưa nhiệt độ mát mẻ và có thể sống trong phòng điều hòa.

Để có một cây Bàng kiểng lá đẹp, bạn cần lau lá, tỉa lá thường xuyên. Cách làm này cũng giúp phòng ngừa sâu bệnh tấn công cây. Bởi đây là loại cây dễ bị bệnh đốm lá hoặc bị côn trùng làm tổ trên lá. Bên cạnh đó cần tỉa ngọn để kiểm soát chiều cao của cây.